Mọi người thường hay đặt câu hỏi với chúng tôi tại sao và có cần phải hiệu chuẩn lại cân điện tử không?
Câu trả lời ngắn gọn là có ! Thông thường các thiết bị đo đạc, đo lường hiện đại cần phải được hiệu chỉnh để đảm bảo rằng chúng luôn trong tình trạng chính xác như đúng thông số kỹ thuật của chúng.
Một sản phẩm cân điện tử được sản xuất,lắp ráp tại nhà máy nước ngoài,đều được hiệu chuẩn nội bộ trước khi xuất khẩu, vận chuyển về Việt Nam. Tuy nhiên khi về Việt Nam, do ảnh hưởng bởi từ trường,sự khác biệt về vĩ độ và độ cao, do quá trình vận chuyển hoặc các quy định về đo lường, nên các cân điện tử đều phải hiệu chuẩn lại. Thông thường các nhà cung cấp sẽ hiệu chuẩn nội bộ trước khi bán cho người sử dụng.
Hiệu chuẩn cân phân tích
Nếu muốn có giấy chứng nhận của cơ quan uy tín Nhà Nước, người sử dụng phải hiệu chuẩn/kiểm định tại các Chi cục đo lường tại các tỉnh. Tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ có các chi cục như Trung Tâm Kỹ Thuật Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng Thành Phố Hồ Chí Minh, hay Trung Tâm Kỹ Thuật Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng 3 ( Quatest 3), hoặc Trung Tâm Hỗ Trợ Phát Triển Doanh Nghiệp Vừa Và Nhỏ 1-Tổng Cục Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng.
Theo quy định chung của Tổng cục Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng, hiệu lực và thời gian kiểm định lại của các cân bàn điện tử, cân phân tích, cân sàn điện tử, cân kỹ thuật, cân xe tải....là 1 năm.Riêng quả cân E2 và cân tàu hỏa động là 2 năm.
Người sử dụng cần phân biệt rõ giữa kiểm định và hiệu chuẩn khối lượng.
Kiểm định là việc xác định, xem xét sự phù hợp của phương tiện đo so với yêu cầu pháp lý có đạt các chỉ tiêu kỹ thuật cụ thể hay không, kết quả do cơ quan kiểm định nhà nước xác định là đạt hoặc không đạt. Kiểm định mang tính chất bắt buộc đối với các phương tiện đo có trong "Danh mục các thiết bị bắt buộc kiểm định" theo quyết định số 13/2007/QĐ-BKHCN ngày 6/7/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Việc kiểm định phương tiện đo do kiểm định viên đo lường thực hiện thống nhất theo các quy trình kiểm định. Thiết bị đo sau khi kiểm định đạt yêu cầu được dán tem kiểm định hoặc cấp giấy chứng nhận kiểm định của cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường hoặc cơ sở được uỷ quyền kiểm định Nhà nước và có giá trị pháp lý trong cả nước.
Trong khi đó hiệu chuẩn phương tiện đo là thiết lập mới tương quan giữa đo lường và phương tiện đo. Hiệu chuẩn không mang tính chất bắt buộc. Dựa vào kết quả hiệu chuẩn, khách hàng tự quyết định xem thiết bị có sử dụng nữa hay không.
*** Lưu ý: mỗi chi cục, trung tâm sẽ có cách thể hiện khác nhau về giấy chứng nhận và tem
Bản chất kỹ thuật của hiệu chuẩn và kiểm định giống nhau: đó là việc so sánh phương tiện đo với chuẩn để đánh giá sai số và các đặc trưng kỹ thuật, đo lường khác của nó. Khác nhau là kiểm định theo yêu cầu của pháp lý, bắt buộc áp dụng trong khi hiệu chuẩn là tự nguyện.